"Thiên la, địa võng" chặn hàng nông sản Việt xuất ngoại

Saturday 11,2017 / by admin / 321
Hàng loạt các nước nhập khẩu đã tận dụng, thậm chí lạm dụng hàng rào kỹ thuật, phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu. Tình trạng này khiến các nước xuất khẩu nông sản như Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để thâm nhập vào thị trường nước bạn. Việt Nam phải làm gì trước những rào cản này là câu hỏi khó với không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp, cơ quan chức năng...

Trong xu hướng tự do hóa thương mại, các nước phải gỡ bỏ các rào cản thuế quan theo các hiệp định hay cam kết với nước khác. Nhưng thay vào đó, nhiều nước nhập khẩu nông sản đã hình thành các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ sản xuất trong nước.
 
Liên tục tăng và liên tục thay đổi
Ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch Thực vật (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPTNT), cho biết, những năm qua, nông sản xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ổn định, trong đó có những mặt hàng tăng trưởng cao như rau, quả... Tuy nhiên, nông sản xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố thị trường và phi thị trường, trong đó có các rào cản kỹ thuật. Cụ thể, trong khi các rào cản thuế quan đã được giảm đáng kể theo lộ trình giảm thuế của Nhà nước, các rào cản phi thuế quan, đặc biệt các rào cản mang tính kỹ thuật vẫn tồn tại, thậm chí phát triển với nhiều hình thức phức tạp hơn.
 
“Ban đầu nhằm bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh… các nước đều thiết lập và duy trì một hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hóa của mình và hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều nước lại có xu hướng làm dụng các biện pháp kỹ thuật này nhằm mục tiêu hạn chế hàng hóa nhập khẩu, bảo hộ cho sản xuất trong nước” - TS Hà nhận định.
 
Bộ NNPTNT cũng thông tin, tính đến tháng 10, các cơ quan thuộc bộ này nhận được 45 thông báo, trong đó có 35 thông báo liên quan đến việc các nước điều chỉnh những tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép trong nông sản. Chưa kể, nhiều thị trường còn đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cực kỳ khắt khe như áp dụng tiêu chuẩn vượt ngưỡng hàm lượng tối đa (MRL) quá thấp mà không dựa trên cơ sở khoa học nào khiến nhà xuất khẩu khó đáp ứng. “Đã có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường Mỹ, EU về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như gạo, thanh long, xoài, hồ tiêu, chè, rau… Đây là điều khiến cơ quan chức năng và các nhà xuất khẩu phải đau đầu hiện nay” - TS Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, cho biết.
 
MRL (mg/kg) là hàm lượng tối đa của một tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm do Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm Codex  quốc tế (CXL) hoặc cơ quan quản lý tại quốc gia (MRL) quy định. Đây không phải là tiêu chuẩn về ngưỡng độc tính mà là tiêu chuẩn thương mại thực phẩm quốc tế được thiết lập trên cơ sở GAP. Mục đích của việc thiết lập MRL là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh hàng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 
 
Xuất khẩu giảm vì MRL
 
Việc các nước tăng cường tạo ra các rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
 
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, trong 5 năm qua, xuất khẩu nông sản vẫn đạt mức tăng trung bình 2,4%/năm. Thế nhưng, xét về tỷ trọng, xuất khẩu nông sản liên tục giảm trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước, từ 13% năm 2012 xuống còn gần 8,6% năm 2016. Một trong các nguyên nhân được chỉ ra đó là hàng nông sản của Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn về MRL do các nước nhập khẩu đưa ra.
 
TS Hà cho rằng, nhiều quốc gia yêu cầu phân tích nguy cơ dịch hại với quy trình phức tạp, từ đó, thời gian có thể kéo dài lên tới hơn 10 năm, ảnh hưởng tới quá trình đàm phán xuất khẩu nông sản vào các thị trường này.  Ví dụ như trường hợp trái thanh long tươi của Việt Nam phải mất đến 9 năm đàm phán. Đặc biệt một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… còn yêu cầu cử chuyên gia đến tận nơi giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm dịch thực vật...
 
“Các yêu cầu này là rào cản gây khó khăn cho xuất khẩu nông sản, do kéo dài thời gian để đàm phán thống nhất biện pháp kiểm dịch thực vật, vừa làm tăng giá thành xuất khẩu nông sản vì phải chi phí cho việc xử lý kiểm dịch thực vật và đón các chuyên gia kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu sang kiểm tra” - TS Hà nhận định.
 
Ông Vasant L.Patil - đại diện Tổ chức Croplife châu Á giải thích, mặc dù Việt Nam đã có văn bản quy định và xây dựng các tiêu chuẩn về MRL tuy nhiên việc thực thi, quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn MRL hiện không đồng nhất giữa các quốc gia, dữ liệu thường xuyên cập nhật và việc truy suất dữ liệu không thuận lợi cũng tạo thêm các khó khăn trong quá trình thực thi.
 
“Không riêng gì sản phẩm trái cây, nông sản nói chung nếu vi phạm các quy định về vượt mức MRL, người trồng trọt, nhà xuất khẩu có thể bị phạt, bị truy tố… Do đó, Chính phủ và nông dân cần đẩy mạnh hệ thống canh tác luân canh kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế các tồn dư vượt ngưỡng MRL” - ông Vasant cảnh báo.
 
 
Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU), các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, nhất là nông, thủy sản phải đảm bảo các yêu cầu khăt khe nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Thực tế hiện nay, nhiều nông phẩm của Việt Nam chưa có thương hiệu, thậm chí một số sản phẩm xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và đã bị trả về thời gian qua là một trong những lưu ý đối với ngành nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Tử Cương - chuyên gia dự án EU-Mutrap, nhiều lĩnh vực của Việt Nam vẫn chưa gắn kết trong kiểm soát mối nguy an toàn cho sức khỏe động vật, thực vật và an toàn thực phẩm. Hơn nữa, rất khó kiểm soát theo chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn, hoặc từ ao nuôi đến bàn ăn.    
 
Nguồn: danviet.vn