Các chuyên gia cho rằng, trong khi nông dân, doanh nghiệp (DN) cần thông tin cập nhật mới nhất thì cơ quan chức năng cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận, tăng cường đàm phán… để cùng điều chỉnh các quy định về những quy định vượt mức dư lượng (MRL).
TS Jason Sandahl - cố vấn kỹ thuật an toàn thực phẩm, Văn phòng Xây dựng và Phát triển nhân lực (Cục Nông nghiệp nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Mỹ), cho rằng, các quy định MRL đang là “cơn ác mộng” của cả người nông dân và các nhà xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, ông Jason nhấn mạnh: Người nông dân cần thông tin!
Nông dân cần thông tin!
Theo TS Jason Sandahl và nhiều chuyên gia nông nghiệp, hiện nay ở Việt Nam, gần như hầu hết người sản xuất nông nghiệp không nắm được các quy định về MRL của thị trường nhập khẩu. Hay như mới đây, một đoàn hơn 10 DN đi xúc tiến thương mại ở châu Âu nhưng chỉ có… 2 DN nắm rõ về MRL đối với sản phẩm mình muốn bán.
Do đó, cơ quan chức năng cần giúp nông dân có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới, thường là những sản phẩm ít rủi ro hơn, và bổ sung nhiều công cụ kiểm soát dịch hại cây trồng cho mùa vụ sản xuất. Từ đó, giảm các trường hợp vi phạm MRL trên sản phẩm xuất khẩu.
Ông Jason cũng cho rằng, cần khuyến khích các công ty thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đăng ký sản phẩm mới cũng như xây dựng các MRL mới và thiết lập các chương trình dữ liệu dư lượng quốc gia. Đây là việc khó và phức tạp, vì theo ông Jason, việc thử nghiệm dư lượng rất khó trong khi không ai sẵn sàng thực hiện công việc này.
“Các chi phí thử nghiệm dư lượng cũng rất đắt đỏ trong khi việc đăng ký thuốc BVTV không có lợi ích về mặt kinh tế nên các DN không mặn mà tham gia xây dựng MRL” - ông Jason nói.
Ở góc độ DN, ông Siebe van Wijk - chuyên gia nông nghiệp của Công ty Freshstudiom, cho rằng, nguyên nhân nhiều sản phẩm nông sản vi phạm MRL vì nhiều sản phẩm thuốc BVTV ở Việt Nam được kinh doanh, sử dụng không đúng. Ví dụ như có sản phẩm chỉ đăng ký sử dụng trên khoai tây nhưng trên bao bì lại để hình mẫu của rất nhiều nông sản như dưa hấu, nho, chuối, cà chua…
Không chỉ vậy, rất nhiều các sản phẩm thuộc kiểu chung chung, cùng một sản phẩm nhưng bao bì nhãn mác khác nhau, gây khó hiểu cho nông dân vẫn còn được lưu hành... “Mức vi phạm phổ biến nhất là không phải tất cả các loại hoạt chất được ghi trên nhãn, thậm chí, DN kinh doanh cả những sản phẩm chưa được đăng ký” - ông Wijk nhận định.
Trái thanh long cần được “lên tiếng hộ” tại châu Âu
Ông Siebe van Wijk - chuyên gia nông nghiệp của Công ty Freshstudiom, cho rằng, Việt Nam cần thương lượng với châu Âu về các ngưỡng MRL để có thể xuất khẩu thanh long vào thị trường này. Hiện tại, có rất ít các hoạt chất sử dụng trong quá trình canh tác trái thanh long được đăng ký hoặc một số hoạt chất đã đăng ký có ngưỡng MRL là 0.01.
Cần thay đổi cách tiếp cận
TS Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Nam, cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận với vấn đề MRL, qua đó, giúp nông sản dễ dàng hơn khi tiếp cận các thị trường nhập khẩu.
Theo ông Tùng, để giảm nguy cơ dư lượng thuốc BVTV trong nông sản xuất khẩu, chúng ta cần nắm vững yêu cầu của nước nhập khẩu về MRL (theo hoạt chất thuốc, theo loại nông sản) cũng như danh mục thuốc được phép sử dụng tại nước nhập khẩu.
Trong quá trình sản xuất, nông dân và DN cần nắm vững dịch hại chính trên cây trồng và biện pháp phòng trừ hợp lý; nắm được danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, qua đó chọn loại thuốc thích hợp có hiệu lực tốt, thời gian cách ly ngắn, khi sử dụng thuốc BVTV cần thực hiện theo tiêu chuẩn GAP…
“Nguyên tắc chọn thuốc BVTV nhằm giảm nguy cơ tồn dư vượt ngưỡng MRL là ưu tiên chọn các thuốc có hoạt chất đã được quy định MRL. Đối với các hoạt chất chưa có quy định MRL, có thể sử dụng ở đầu vụ, tránh sử dụng vào giai đoạn cuối vụ mà thay thế bằng các sản phẩm sinh học. Song song đó, cần sớm thiết lập MRL đối với các hoạt chất này” - TS Tùng nêu giải pháp.
Còn theo bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong năm 2017, ngành hồ tiêu sẽ tập trung vào việc phối hợp với Bộ NNPTNT để cải thiện chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sử dụng hoá chất cho người trồng hồ tiêu, hoàn thiện quy trình canh tác hồ tiêu theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế…
“Đây là vấn đề sống còn của ngành hồ tiêu trong thời gian tới. Chỉ khi nào đa số nông dân trồng tiêu thay đổi hành vi, canh tác theo GAP thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững” - bà Oanh nhận định.
TS Vasant L.Patil - đại diện Tổ chức CropLife Asia thì cho rằng, cũng cần áp dụng các nghệ thuật ngoại giao, đàm phán… để hợp tác, thương lượng với các nước trong việc xây dựng hệ thống MRL.
“Bước tiếp theo, Việt Nam cần tham gia vào các diễn đàn ra quyết định quốc tế về MRL, cần can thiệp đúng thời điểm khi nông sản gặp “rắc rối” trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần coi trọng vấn đề ngoại giao trong việc đẩy mạnh giao thương với các nước, xem xét, thực hiện và giám sát các vấn đề liên quan đến MRL” - TS Vasant L.Patil nêu giải pháp.
Nguồn: danviet.vn